GIẢI NGHĨA CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN KHI ĐỌC KINH DỊCH

Nhắc đến bói toán là nhắc tới Kinh Dịch. Tất nhiên để dự đoán số mệnh có rất nhiều cách khác nhau, duy chỉ có Kinh Dịch là có tính hệ thống và đáng tin cậy hơn hết. Các khái niệm như quẻ, hào, Bát Quái, Âm Dương, vv. từ lâu đã ăn sâu vào văn hóa Á Đông, là nền móng cho nhiều môn bói toán đoán mệnh về sau như Tử Vi hay Tứ Trụ Bát Tự. Kinh Dịch được viết bằng tiếng Hán, bản thân văn phong mơ hồ của nó cũng khá khó hiểu với người dùng chữ Hán, khi dịch sang tiếng Việt lại càng tăng thêm vài phần khó đọc. Bởi vậy, bài viết này xin được diễn giải lại những khái niệm cơ bản trong môn Kinh Dịch để những người có nhu cầu học hay nghiên cứu những bộ môn huyền học có liên quan đến Kinh Dịch tiện theo dõi.

  • Bài viết này có tham khảo bản dịch “Kinh Dịch trọn bộ” của tác giả Ngô Tất Tố.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Nghi – Tượng – Quái (quẻ)
2. Hào
3. Dịch truyện của Khổng Tử
4. Ứng dụng của hào và quẻ
5. Nghĩa của những từ cổ: thửa, chưng, hay, khá

Kinh Dịch là một sách có nguồn gốc từ rất xa xưa. Theo truyền thuyết của sử Tàu thì Kinh Dịch bắt nguồn từ thời vua Phục Hy, là một trong Tam Hoàng, bên cạnh Thần Nông và Nữ Oa.

Tương truyền thời Phục Hy trị vì dưới sông Hoàng Hà xuất hiện một con Long Mã, một loại thần thú đầu rồng mình ngựa. Trên lưng nó có cõng theo một bức đồ hình với nhiều đốm đen trắng. Phục Hy nhớ thứ tự và vị trí của những đốm này, về sau vẽ lại thành một bức họa đồ gọi là Hà Đồ (hay Mã Đồ, đồ hình trên lưng con ngựa). Từ những nét vạch trên bức Hà Đồ tạo ra một hệ thống gồm các vạch liền và vạch đứt để biểu thị cho những biến hóa của vũ trụ.

1. NGHI – TƯỢNG – QUÁI (QUẺ)

Nghi, Tượng, Quái (quẻ) trong Kinh Dịch hay bói toán nghĩa là gì?

Trong Kinh Dịch, vạch liền là vạch lẻ, đại diện cho khí Dương. Vạch đứt là vạch chẵn, đại diện cho khí Âm. Mỗi vạch này được gọi là một Nghi.

Nghi – Tượng – Quái (quẻ)

Xếp chồng hai Nghi lên nhau ta sẽ có 4 tổ hợp khác nhau: Liền-Liền, Liền-Đứt, Đứt-Liền, Đứt-Đứt. Mỗi tổ hợp này gọi là một Tượng. Vậy nên mới có câu “Lưỡng Nghi sinh tứ Tượng”. Tên của bốn tượng (Tứ Tượng) là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm.

Nửa còn lại của câu là “Tứ Tượng sinh bát Quái”. Chồng thêm một Nghi lên trên mỗi Tượng ta sẽ có tất cả 8 tổ hợp của các vạch liền đứt. Mỗi tổ hợp này gọi là một Quái, hay là một Quẻ (đơn). Bát Quái, hay tám quẻ đơn, bao gồm: Càn – Đoài – Ly – Chấn – Tốn – Khảm – Cấn – Khôn.

Mỗi quẻ sẽ có một tính riêng, ví dụ như Càn thì mạnh, Khôn thì thuận, Chấn thì Động, Tốn thì nhún nhường, Cấn thì đậu/ngự/nghỉ, Đoài thì làm đẹp lòng, Ly thì sáng hoặc là trống rỗng, Khảm thì hiểm, độc, dày đặc vv. Mỗi quẻ còn là hình tượng cho một hay nhiều vật, ví dụ Càn là tượng trời, con rồng; Khôn là tượng đất, con trâu; Chấn là tượng sấm, trái cây; Khảm là tượng nước, mây, mưa; Tốn là tượng gió; Ly là tượng lửa; Cấn là tượng núi; Đoại là tượng chầm vv.

Tới thời Chu Vương (Chu Văn Vương), một thủ lĩnh của bộ tộc nhà Chu (1154 TCN – 1046 TCN), ông đem hai quẻ đơn xếp chồng lên nhau, xào qua xáo lại, tạo ra tổng cộng 64 tổ hợp, mỗi tổ hợp này gọi là một Quẻ (kép). 64 Quẻ kép này đều có tên gọi riêng.

Với 64 Quẻ này Chu Văn Vương viết thêm lời từ cho mỗi quẻ để nói về ý nghĩa của mỗi Quẻ, cũng như dự báo những điều lành dữ. Những lời này được gọi là Lời Quẻ (quái từ) hay là Lời Thoán (thoán từ).

2. HÀO

Mỗi Quẻ đơn có 3 vạch. Mỗi Quẻ kép có 6 vạch. Tới thời Chu Công, con trai của Chu Vương, ông gọi mỗi vạch của Quẻ kép là hào. Các hào được đọc theo thứ tự từ dưới lên trên, hào dưới cùng là hào Đầu, rồi đến hào Hai, hào Ba, hào Tư, hào Năm, và hào trên cùng là hào Trên (hào Thượng). Dưới mỗi hào sẽ lại được viết thêm một lời từ, nói về ý nghĩa của hào đó. Những lời này gọi là Lời Tượng (Tượng từ).

Cách đọc hào.

Hào có hai loại là hào Dương (vạch liền) và hào Âm (vạch đứt). Hào Dương thì cứng, mạnh, có tính động, hướng lên. Hào Âm thì mềm, yếu, tĩnh, hướng xuống. Hào không có hình tượng riêng như quẻ, nhưng tùy vào vị trí của nó trong quẻ mà hào có thể diễn giải bằng những hình tượng như dày đặc (vạch liền) hay rỗng ruột (vạch đứt).

Trong các lời từ của Kinh Dịch hào Dương được gọi là hào Chín, hào Âm được gọi là hào Sáu. Ví dụ quẻ Địa Thủy Sư, hào Đầu là hào Âm, thì được gọi là hào Sáu Đầu (Lục Đầu); hào Hai là hào Dương nên được gọi là hào Chín Hai (Cửu Nhị).

Cách gọi này bắt nguồn từ Nho học, ở khí Dương thì bảy là trẻ, chín là già; ở khí Âm thì tám là số trẻ, sáu là già. Mà trẻ thì chưa biết đổi, già thì biến đổi. Kinh Dịch chú trọng đến sự biến đổi nên chọn chín và sáu để gọi các hào.

3. DỊCH TRUYỆN CỦA KHỔNG TỬ

Đến thời Khổng Tử (28 tháng 9 năm 551 TCN – 11 tháng 4 năm 479 TCN) ông lại soạn ra bảy thứ nữa cho mỗi Quẻ, gồm có: Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, và Tạp quái. Thoán truyện gồm hai thiên, Thượng Thoán và Hạ Thoán. Tượng truyện gồm hai thiên, Thượng Tượng và Hạ Tượng. Hệ từ gồm hai thiên, Thượng Hệ và Hạ Hệ. Như vậy, 7 thứ sẽ có tổng cộng 10 thiên, gọi là “Thập dực” (mười cánh).

Thập dực truyện bao gồm 7 loại và 10 thiên:

Thoán truyện: trích Lời Quẻ của Chu Vương, thường bắt đầu “Lời Quẻ thoán rằng…”

Tượng truyện: nói về hình tượng của các quẻ và các hào, cho cả quẻ gọi là Đại Tượng, cho từng hào gọi là Tiểu Tượng.

Văn ngôn: chuyên nói về hai quẻ Càn, Khôn.

Hệ từ: nói về đại thể và ý nghĩa của Kinh Dịch và việc làm Kinh Dịch của Chu Vương.

Thuyết quái: nói về cách chọn Tượng trong Bát Quái, về sự biến hóa và tương hỗ lẫn nhau giữa các quẻ.

Tự quái: nói về sự sắp xếp của các quẻ, phân tích về trình tự quẻ, quẻ này liên kết và dẫn đến quẻ sau ra sao. Thượng Tự giải thích 30 quẻ từ Khôn đến Khảm. Hạ Tự giải thích 34 quẻ còn lại từ Hàm, Hằng đến Ký tế, Vị tế.

Tạp quái: nói về sự tương quan của từng cặp quẻ, mỗi cặp là một nhóm, 64 quẻ được chia thành 32 nhóm.

4. CÁC HÀO VÀ QUẺ BIỂU THỊ CHO CÁI GÌ? ỨNG DỤNG CỦA HÀO VÀ QUẺ

Dù là những lời Quẻ của Chu Vương hay là các Dịch truyện của Khổng tử thì về cơ bản nội dung của Kinh Dịch là lấy con người làm trung tâm, bàn luận và dự đoán về vận mệnh của con người giữa vũ trụ. Nội dung của mỗi quẻ bao gồm 3 thứ chính: thì, ngôi, người.

1. THÌ: thì là thời. 64 quẻ của Kinh Dịch, mỗi quẻ sẽ đại diện cho một thời kỳ khác nhau. Ví dụ quẻ Thái là thời kì hanh thông thái bình, quẻ Bỉ là thời kỳ bỉ cực bế tắc. Các thời kỳ này không đơn thuẩn chỉ nói về thời gian mà còn để chỉ những thời điểm trong một sự kiện nào đó. Trong một quẻ, hào Đầu là đầu thời kỳ, 4 hào giữa là giữa kỳ, và hào cuối là cuối thời kỳ.

2. NGÔI: thứ bậc của các hào. Một quẻ có 6 hào, nghĩa là có 6 ngôi. Hào Đầu có ngôi thấp nhất dần dần tính lên trên đén hào Trên có ngôi cao nhất. Tuy nhiên ngôi cũng chỉ có tính đại khái, không nhất định quẻ nào cũng phân ra thành các ngôi.

Theo cách tính từ thời Trình Di và Chu Hy, thì các ngôi của một quẻ sẽ đại diện cho các cấp bậc trong xã hội. Cụ thể: hào Đầu là dân thường, hào Hai là tư mục (chủ vườn, có gia súc gia cầm), hào Ba là quan tướng, Đại phu, hào Tư là đại thần, hào Năm là vua, và hào Trên là các vị lão thành.

Đối với các hào có một khái niệm gọi là chínhbất chính (không chính). Nếu hào Dương mà ở các ngôi lẻ, như ngôi Đầu, Ba, hay Năm, và hào Chẵn nằm ở các ngôi lẻ như ngôi Hai, Tư, và Trên thì được gọi là hào ngồi ở chỗ chính, còn lại thì sẽ gọi là bất chính (không chính), ví dụ như hào Dương nhưng lại ở ngôi Hai.

Trong một quẻ các hào nếu ứng với nhau sẽ bổ trợ cho nhau. Hào Đầu bắt cặp với hào Tư, hào Hai bắt cặp với hào Năm, và hào Ba bắt cặp với hào Trên. Mỗi cặp này, phải có một hào Dương một hào Âm thì mới được gọi là ứng, còn nếu đều là hào Dương hay đều là hào Âm thì sẽ là không ứng.

Ví dụ: nói “chính giữa có ứng” nghĩa là hào Hai và hào Năm trong một quẻ có một hào là Dương, một hào là Âm.

Ngôi của các hào. Chính, không chính. Ứng, không ứng.

3. NGƯỜI: chính là người (được) xem bói. Các quẻ và các ngôi của quẻ sẽ cho biết bản thân người đó đang ở vị trí nào, thời kì nào. Ví dụ như hào Ba quẻ Càn tức là quan tướng trong thời kì hanh thông.

Người được chia thành hai hạng: quân tử và tiểu nhân, đàn ông và đàn bà. Hào Dương là quân tử, đàn ông. Hào Âm là tiểu nhân, đàn bà. Hào Dương ở ngôi lẻ (ngôi Dương) nghĩa là quân tử được ngôi. Hào Âm ở ngôi chẵn (ngôi Âm) nghĩa là tiểu nhân biết điều. Hào Dương ở ngôi chẵn là quân tử mất ngôi. Hào Âm ở ngôi lẻ là tiểu nhân làm càng. Đây cũng chỉ là quy luật có tính đại khái, không lúc nào cũng bắt buộc như vậy.

5. NGHĨA CỦA NHỮNG TỪ CỔ TRONG KINH DỊCH: THỬA, CHƯNG, HAY, KHÁ

Trước tiên cần phải nói rõ, Kinh Dịch là quyển sách viết về các lời dự đoán của vận mệnh trong tương lai. Nó được viết từ thời xưa, hơn nữa lại viết theo văn phong kiểu nửa kín nửa hở, không đầu không cuối để người xem Kinh Dịch/người xem bói tự thêm những phần suy đoán của mình vào. Cách viết này thể hiện rõ ý chí của Kinh Dịch: rằng mệnh trời là thứ mơ hồ, không thể cứ rõ ràng mà viếc ra được. Chính bản gốc của Kinh Dịch của rất khó đọc cho những người đọc tiếng Hán. Việc Ngô Tất Tố giữ lại những từ cổ như thửa, chưng, hay, khá là nhằm giữ lại cái tinh thần ấy của Kinh Dịch.

Bởi vậy, với những người đọc lời của Kinh Dịch và thấy khó hiểu thì tôi xin có một lời khuyên, được lấy từ bộ phim Tenet (đạo diễn Christopher Nolan):

Đừng cố hiểu nó, chỉ cần cảm nhận nó.

THỬA

Từ “thửa” có nhiệm vụ giống như chữ nối ‘s trong đại từ sở hữu của tiếng Anh. Đứng trước một động từ thì nó có nghĩa là cái gì, hoặc kẻ nào. Đứng trước một danh từ (noun) thì nó sẽ là tính từ sở hữu (giống các từ his, her, your, my, its, their trong tiếng Anh).

Ví dụ, trong tiếng Anh, cat’s legs dịch nghĩa là mấy cái chân của con mèo, nguyên cụm cat’s legs là một đại từ sở hữu, được dùng trong câu như sau:

The cat’s legs are huge.

Mấy cái chân của con mèo bự quá.

Quay về tới từ thửa, ví dụ ta có cụm từ “anh thửa làm”, được dịch nghĩa là “những chuyện mà anh làm”, tương tự vơi cách viết anh’s làm trong tiếng Anh. Điểm khác ở đây là tùy vào ngữ cảnh của đại từ mà ta sẽ suy đoán ra từ chính của đại từ. Ví dụ trong trường hợp của cụm “anh thửa làm”, từ làm là một động từ, nên ta suy ra thêm từ chính là “những chuyện”. Một ví dụ khác, ta có cụm “nó thửa ghét”, thì được dịch ra là “kẻ mà nó ghét”. Hay ví dụ thửa đứng ở đầu câu, như cụm “Thửa công đức ấy có ai sánh bằng”, thì được dịch là “Công đức ấy của nó (hoặc kẻ đó) có ai sánh bằng.”

CHƯNG

Chưng có hai nghĩa, đều được dùng trong câu như một giới từ.

Giới từ (preposisition) là những từ chỉ thời gian, vị trí,… chỉ ra sự liên quan/mối liên hệ giữa các cụm trong câu. Ví dụ các từ in đậm trong những câu bên dưới là giới từ:

Tôi thấy quyển sách ở trên bàn.
Một lí do của việc đi trễ
Diễn ra vào ngày 13 tháng 11
Tôi sợ rằng mình phải từ bỏ

Quay lại với từ chưng, nghĩa đầu tiên rất ít dùng, xin chỉ nói nhanh qua, là khi nó đứng ở đầu câu để làm trọn nghĩa cho cả cụm từ phía sau.

Nghĩa thứ hai được dùng dưới dạng giới từ như sau:

Tôi đi chưng đường => Tôi đi đường (I walk on the road)
Diễn ra chưng ngày => Diễn ra vào ngày (It happens on…)

HAY

Từ hay có hai nghĩa: biết, và được

Ví dụ:

Chẳng hay em ở đâu => Chẳng biết em ở đâu

Chẳng hay giữ => Chẳng thể giữ được

Chẳng hay thấy => (Chẳng thể thấy được)

KHÁ

Khá có hai nghĩa: có thể (giống từ khả trong tiếng Hán), và đáng

Ví dụ:

Chuyện này khá xảy ra => Chuyện này có thể xảy ra

Chuyện đó khá tiếc => Chuyện đó đáng tiếc

TỔNG KẾT

Trên đây là bản sơ lược về ý nghĩa của các khái niệm trong Kinh Dịch và bói toán như Nghi, Tượng, Quái (quẻ), quẻ đơn, quẻ kép, Bát Quái hào, ngôi (bậc) của hào, vv. Hi vọng bản khái quát này sẽ giúp mọi người có một khởi đầu dễ dàng hơn khi bắt đầu học và nghiêm cứu Kinh Dịch, tránh bị khó hiểu khi đọc những tài liệu được dịch sang theo lối Hán Việt.

©2023 Thanh Phú

Đọc thêm những bài khác về các môn huyền học: https://tacgiathanhphu.com/category/huyen-hoc/

Đọc thêm về lịch sử của Kinh Dịch: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_D%E1%BB%8Bch

Leave a Comment