BẢN QUYỀN CỦA NHỮNG TẤM ẢNH ĐƯỢC TẠO RA BẰNG A. I.

Giữa những năm từ 2011 đến 2018 có một vụ kiện tụng đặc biệt. Nhiếp ảnh gia người Anh David Slater trong một chuyến chụp ảnh hoang dã ở Indonesia đã không may bị một con khỉ cướp lấy chiếc máy ảnh đang đặt trên tripod. Với chiếc máy ảnh trộm được con khỉ láu cá này đã tự chụp cho nó hàng trăm tấm selfie trước khi bị David thu hồi.

Nhiếp ảnh gia người Anh sau đó đã đăng tải những bước ảnh đặc biệt này lên nhiều tờ báo và kể lại trải nghiệm của mình. Bẵng đi một thời gian, David phát hiện ra những tấm ảnh của mình bị sử dụng trên nhiều trang web lớn như Wikipedia Common hay PETA mà không hề có sự cho phép của anh. Bên dưới những tấm ảnh này họ chú thích rằng chúng là những tấm ảnh thuộc về công cộng (public domain) vì tác giả của những bức ảnh này không phải là người (nên sẽ không được xác nhận tác quyền). Sau nhiều phiên tòa thì vụ kiện tụng này đã kết thúc một cách không hẳn là rõ ràng: tòa án Hoa Kỳ xác nhận rằng theo luật thì các chủ thể không phải người (như động vật hay máy móc) thì không có quyền bản quyền; David và PETA thỏa thuận với nhau rằng David sẽ được quyền kiếm tiền từ những tấm ảnh selfie của con khỉ còn anh thì đồng ý sẽ chia sẻ 10% lợi nhuận kiếm được từ những tấm ảnh cho quỹ bảo tồn loài khỉ ở Sulawesi; về phần Wikipedia Common thì vẫn không chịu tháo gỡ những tấm ảnh vì họ khăng khăng rằng những tấm ảnh này không thuộc sở hữu của ai hết.

Cái kết mở của vụ việc độc nhất vô nhị này đã đặt ra một câu hỏi thú vị khác: vậy thì ở năm 2023 này, trong kỉ nguyên mới của A.I., thì những tấm ảnh được tạo ra bằng A.I. thuộc sở hữu của ai?

Ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng giữa những tấm ảnh A.I. và con khỉ selfie. Ở vụ con khỉ nhiếp ảnh gia là người đã làm tất cả mọi thứ, từ mua sắm đến lắp đặt trang thiết bị, chỉ duy có bước cuối cùng bấm nút chụp thì là do con khỉ làm. Đối với những tấm ảnh A.I., những người sử dụng A.I. đã làm tất cả mọi thứ, từ thiết lập cài đặt phần mềm cho đến việc nhập liệu những miêu tả chi tiết về nội dung tấm ảnh mà họ cần tạo, nhưng ở bước cuối thì chính máy tính mới là thứ xử lý thuật toán và tạo ra tấm ảnh.

Copyright law about A.I. Photos

Ở thời điểm hiện tại khi mà công nghệ A.I. đang ở thời kỳ bình minh của nó thì những luật lệ liên quan dường như vẫn chưa có đủ và chưa sẵn sàng. Các họa sĩ và tác giả không hề có cách nào để bảo vệ quyền lợi cho bản thân khi những tác phẩm do họ tạo ra bị lấy đi để đào tạo (training) A.I. mà không hề được họ cho phép. Những tác phẩm được tạo ra bằng A.I. cũng tương tự, không hề có luật lệ nào đủ rõ ràng để xác nhận bản quyền của chúng.

Mỗi quốc gia sẽ có những luật lệ khác nhau về bản quyền. Ở Hoa Kỳ, theo luật hiện tại thì có một điều được ghi như sau: “chỉ những tác phẩm được tạo ra bởi con người thì mới được Hoa Kỳ bảo hộ tác quyền, những trường hợp không được bảo hộ bao gồm những tấm ảnh hay tác phẩm được tạo ra bởi động vật hoặc máy móc mà không hề có sự tác động của con người.” Đây là một điều luật khá mơ hồ. Trong trường hợp con khỉ selfie, những bức ảnh là do con khỉ nhấn nút chụp, nhưng rõ ràng trước đó đã có những tác động của nhiếp ảnh gia David như lắp đặt máy lên tripod và điều chỉnh thông số máy ảnh. Do điều luật không rõ ràng nên kết quả cuối cùng của vụ kiện con khỉ selfie cũng không có kết quả rõ ràng. Nếu như tác quyền thuộc về David thì anh phải có toàn quyền sở hữu và sử dụng những tấm ảnh. Ngược lại, nếu như những tấm ảnh không thuộc về David thì nó phải thuộc về công cộng khi mà chiếu theo luật thì con khỉ sẽ không được xác nhận tác quyền.

Từ vụ việc con khỉ selfie ta có thể thấy những điểm tương đồng với vấn đề về bản quyền của những tấm ảnh được tạo ra bằng A.I. hiện tại. Một điểm quan trọng trong điều luật vừa nêu trên của luật bản quyền Hoa Kỳ đó là “chỉ những tác phẩm được tạo ra bởi con người thì mới được Hoa Kỳ bảo hộ tác quyền”. Những tấm ảnh A.I. được tạo ra bởi máy tính nên theo luật sẽ không được bảo hộ. Tuy nhiên, nếu những tấm ảnh đó được chỉnh sửa và có những sáng tạo thêm, ví dụ như vẽ thêm một ít hoa lá hay đơn thuần chỉ là chấm thêm một ánh sao lên bầu trời, thì khi đó những bức ảnh này sẽ được coi là tạo ra bởi con người (có bàn tay con người tác động) và được bảo vệ trước pháp luật.

Quả thực, trong trường hợp nếu các công cụ A.I. là hợp pháp thì những bức ảnh tạo ra bằng A.I. hoàn toàn có cơ sở để được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là 100% các công cụ A.I. hiện tại đều được đào tạo (training) từ những nguồn dữ liệu không có bản quyền, chính là tác phẩm của những họa sĩ và nhà sáng tạo thực thụ. Trong khi các công ty công nghệ đằng sau A.I. có thể kiếm bộn tiền thì các họa sĩ lại không được nhận một đồng lợi nhuận nào từ tác phẩm của mình. Sự thiếu và yếu của luật bản quyền hiện tại đã tiếp tay cho hành vi ăn cắp chất xám không có điểm dừng của các công ty công nghệ.

Ở thời điểm hiện tại và trong một tương lai rất gần sắp tới đây ta chắc chắn sẽ được chứng kiến rất nhiều những vụ kiện tụng liên quan đến A.I. để từ đó các cơ quan lập pháp có thể đưa ra những luật lệ một cách rõ ràng và cụ thể nhất. Đối với những người đang dùng A.I. vào thời điểm này thì tôi chỉ xin đưa ra một vài lời khuyên: trước mắt chỉ nên sử dụng A.I. để nghiên cứu và học hỏi cách sử dụng; chỉ dùng chúng cho mục đích thương mại nếu công ty phát triển công cụ A.I. đó có thể chứng minh nguồn dữ liệu họ sử dụng là hoàn toàn hợp lệ và được cấp bản quyền đầy đủ; và chỉ nên dùng A.I. như một công cụ hỗ trợ chứ đừng phụ thuộc 100% vào nó.

©2023 Thanh Phú

Leave a Comment