MARK ZUCKERBERG – KÍ SINH TRÙNG CỦA GIỚI CÔNG NGHỆ

Sau Snapchat và Tiktok, mới đây Twitter đã chính thức trở thành nạn nhân mới nhất của Mark Zuckerberg.

Trên thế giới này có hai điều không cần phải bàn cãi: cứ cầm mic lên là trở thành ca sĩ, và Facebook đang là mạng xã hội hùng mạnh nhất thời điểm hiện tại. Điều đầu tiên được phát biểu bởi một hiền nhân nổi tiếng người Việt Nam nên tất nhiên được mặc định là đúng. Còn điều thứ hai thì được chứng minh rõ ràng bằng số liệu trên giấy trắng mực đen. Tính tới thời điểm hiện tại, tháng 7 năm 2023, lượng người dùng của Facebook trên toàn thế giới đã gần đạt con số 3 tỉ. Nhìn sang Instagram, người anh em của Facebook, thì con số cũng đã là 1,4 tỉ. Chính lượng người dùng khổng lồ này đã biến Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, trở thành công ty công nghệ có giá trị vốn hoá thuộc top đầu của thế giới, và đồng thời đưa Mark Zuckerberg trở thành một trong top những người giàu có nhất hành tinh.


Mark từng là một thiên tài công nghệ, đi lên với sự thành công của Facebook, từng bước trở thành một ông lớn trong giới. Để giữ vững thế độc tôn của mình, thay vì tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ độc đáo để thu hút người dùng, Mark lại chọn con đường trở thành một loài kí sinh trùng để tồn tại. Instagram là con mồi đầu tiên của Mark. Instagram có xuất phát điểm là một nền tảng chia sẻ hình ảnh. Trong thời gian đầu khi mới ra mắt đây là một nền tảng được giới nhiếp ảnh gia yêu thích vì họ có thể chia sẻ những bức ảnh của mình đến nhiều người một cách nhanh chóng. Dần dần người dùng phổ thông cũng bắt đầu yêu thích Instagram vì họ thể chia sẻ hình ảnh với những trải nghiệm cá nhân của mình lên đó. Sự trỗi dậy của Instagram biến nó trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Facebook. Để đối phó với Instagram Mark ban đầu đã cố gắng nâng cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu để khuyến khích người dùng có thể dễ dàng upload hình ảnh với chất lượng cao lên Facebook. Dù vậy, hình ảnh chất lượng thấp chưa bao giờ là vấn đề với Instagram. Thứ khiến nền tảng này thành công là giá trị cốt lõi của nó: chia sẻ trải nghiệm. Người dùng up ảnh lên Instagram đơn giản vì họ muốn chia sẻ một khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống của họ. Câu chuyện trong tấm ảnh mới là thứ đáng giá chứ không phải là chất lượng của nó. Đây chính là thứ mà Facebook không thể nào bắt chước được. Khi nhận ra mình chẳng thể làm gì để ngăn đà tăng trưởng của Instagram, Mark đã buộc phải xuống tay mua lại nền tảng này vào năm 2012 với cái giá 1 tỷ đô la, một con số rất lớn ở thời điểm đó.

Youtube là nạn nhân thứ hai của Mark Zuckerberg, nhưng là nạn nhân duy nhất hất cẳng được Mark. Ở thời điểm Youtube phát triển mạnh mẽ vào những năm 2009-2012 Mark cũng đã cố gắng tích hợp video vào Facebook của mình. Thậm chí, có thời điểm Mark còn định tạo cho Facebook một kho video tương tự với Youtube để người dùng có thể xem video có thời lượng dài trực tiếp trên Facebook. Tuy nhiên kế hoạch này đã nhanh chóng đổ vỡ. Dù rất muốn nhưng Mark chẳng thể đào đâu ra một trung tâm lưu trữ dữ liệu đủ mạnh mẽ để có thể xử lí lượng video khổng lồ do người dùng up lên. Bên cạnh đó Mark và các kĩ sư của Facebook nói chung cũng không có khả năng viết ra được các thuật toán giúp tối ưu hoá chất lượng của các video có dung lượng cao. Lực bất tòng tâm, Mark từ bỏ giấc mộng cạnh tranh với Youtube, biến video thành một nhánh nhỏ của Facebook chứ không phải là sản phẩm chủ lực.

Snapchat là cái tên thứ ba bị Mark cắn trộm, và có lẽ là cái tên bị cắn đau nhất. Snapchat là đại diện của giới trẻ khi nó là mạng xã hội tiên phong dành riêng cho các thiết bị di động. Nếu người dùng thuộc thế hệ gen Y hay lớn hơn quen với màn hình máy tính hay laptop thì các thế hệ trẻ như gen Z về sau lại chuộng dùng các thiết bị di động hơn. Snapchat được thành lập năm 2011 và tập trung vào nhóm đối tượng này. Đây là điều đã khiến nó nhanh chóng thành công phải trở nên phổ biến trong giới trẻ. Facebook đánh hơi thấy điều này và bắt đầu công cuộc sao chép. Với tiềm lực có sẵn trong tay, cụ thể là nguồn kĩ sư máy tính dồi dào, Mark đã liên tục sao chép những công nghệ của Snapchat, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến chức năng ‘Story’. Đây là một chức năng nguyên bản (original) được tạo ra bởi Snapchat, cho phép người dùng đăng những tấm ảnh và sẽ tự biến mất sau 24 tiếng. Ban đầu người ta chẳng thể hiểu việc đăng một tấm ảnh tự biến mất thì có gì vui, nhưng về sau khi đã hiểu rõ mục đích của nó thì người dùng lại đâm ra nghiện và biến ‘Story’ trở thành một chức năng nổi tiếng bật nhất của Snapchat. Và chỉ sau một đêm, tính năng nó đã được Mark hô biến cho xuất hiện trên Facebook. Một người bình thường nhìn vào cũng có thể dễ dàng nhận ra đây là sự sao chép rõ ràng, dẫu vậy Mark vẫn nhẹ nhàng copy mà chẳng sợ có rắc rối gì. Sự lỏng lẻo của hệ thống luật sở hữu trí tuệ đã để cho những con cá mập như Mark dễ dàng đớp trọn đám cá con yếu đuối như Snapchat.

Tua nhanh đến năm 2019 và sự bùng nổ mạnh mẽ của Tiktok. Tương tự như Snapchat, Tiktok nổi tiếng nhanh chóng vì nhắm vào đối tượng người dùng trẻ sử dụng các thiết bị di động. Nền tảng này cho phép người dùng up những clip rất ngắn, ban đầu chỉ là 15 giây, về sau tăng dần lên 30 giây rồi 1 phút. Đây là một hình thức mới lạ chưa từng có trước đây và nghiễm nhiên nhanh chóng kéo được một lượng người dùng đông đảo. Thuật toán của Tiktok khiến những người làm sáng tạo muốn tạo thêm nhiều video gây chú ý để trở nên nổi tiếng (viral), đồng thời, ở chiều ngược lại, làm cho người xem bị dính chặt lấy điện thoại để xem hết clip này đến clip khác.

Ban đầu người ta cho rằng Tiktok sẽ là đối thủ trực tiếp của Youtube khi cũng cung cấp nội dung chính là các video. Thực sự thì Youtube hầu như không bị ảnh hưởng mấy bởi Tiktok bởi hai nền tảng có hai nhóm người dùng hoàn toàn khác biệt, với Tiktok chỉ thuần giải trí trong khi Youtube cung cấp những nội dung chi tiết và chuyên sâu hơn. Dù vậy thì miếng bánh thị phần của lĩnh vực video ngắn là quá béo bở mà không ai muốn bỏ qua. Cả Facebook và Youtube đều lao vào cuộc. Nếu như Youtube tạo ra hệ thống video ngắn tên ‘Shorts’ thì Facebook cũng có cho riêng mình ‘Reels’. Thay vì là một ứng dụng độc lập, Mark đã ra lệnh cho các kĩ sư sao chép toàn bộ cách tính năng cốt lõi của Tiktok và tạo ra Reels, sau đó tích hợp nó vào cả Facebook và Instagram.

Instagram là nền tảng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Với việc có thêm Reels giá trị cốt lõi của Instagram đã bị loãng đi trông thấy. Instagram dần trở thành một phiên bản khác của Tiktok khi newsfeed (trang chính) của nó tràn ngập các video ngắn. Người dùng Instagram đã phản đối điều này rất mạnh mẽ khi họ bị ép phải xem những video ngắn. Nhưng phản đối thì phản đối, khi đã trao cho Mark quá nhiều quyền lực thì giờ đây tiếng nói của họ đã chẳng còn mấy tác dụng. Không phải ngẫu nhiên mà Mark copy hết Snapchat đến Tiktok. Anh ta biết rõ những tính năng của đối thủ có sức gây nghiện cực lớn và cũng muốn người dùng của mình phải dính chặt lấy điện thoại hay máy tính, từ đó có thể thu được càng nhiều tiền từ quảng cáo càng tốt, bất chấp sức khoẻ tinh thần của người dùng có bị ảnh hưởng ra sao.

Cuối nhưng chưa cùng, Twitter là đối tượng mới nhất bị Mark hút máu. Sau khi về tay Elon Musk Twitter đã trải qua nhiều biến động trong hành trình tìm thấy hướng đi đúng cho mình. Lợi dụng lúc hỗn loạn Mark đã nhanh chóng chiêu dụ những kĩ sư bị mất việc ở Twitter về tạo ra ‘Threads’, một ứng dụng hàng nhái nhắm thẳng vào thị phần của Twitter. Cũng giống như vụ Snapchat, Threads rõ ràng là một phiên bản copy rập khuôn từ Twitter nhưng hầu như Elon Musk chẳng thể làm gì. Dù vậy thì Elon Musk chưa bao giờ là người dễ chơi. Ông vừa nộp đơn kiện Meta của Mark với cáo trạng Meta đã ăn cắp bản quyền trí tuệ bằng việc thuê các kĩ sư đã từng làm việc ở Twitter. Đây có thể coi là một vụ kiện có tính bước ngoặc với luật sở hữu trí tuệ ở Mỹ, từ đó có được một án lệ làm mẫu để xử lí những vụ sao chép trắng trợn trong giới công nghệ về sau.

Dõi theo quá trình hoạt động của Meta trong mấy năm gần đây có thể thấy nó không còn là một công ty sáng tạo hàng đầu nữa. Từ lâu Meta của Mark đã không sáng tạo ra được một sản phẩm nguyên bản thành công nào. Thay vào đó Mark đã biến Meta thành một công ty thuần thương mại. Với tiềm lực có sẵn Mark sẵn sàng nuốt trọn những đối thủ tiềm năng để giữ thế độc quyền trên thị trường. Đồng thời, với những đối thủ đã trở nên quá mạnh để có thể thâu tóm, Mark chọn cách copy triệt để các sáng tạo của đối phương về làm lợi cho bản thân mình rồi ngồi nhìn đối thủ chết dần chết mòn.

Đã từ lâu rồi Mark Zuckerberg chẳng còn là một người tiên phong. Anh ta giờ đây chẳng khác gì một thứ kí sinh trùng của giới công nghệ.

HẾT

©2023 Thanh Phú. All rights reserved.

Leave a Comment