BLOG LIỆU CÓ CHỖ ĐỨNG TRONG KỈ NGUYÊN A.I.?

Vì sao một người chọn viết lách và sáng tác? Trước nhất tất nhiên là vì thích nên mới viết. Một người đọc nhiều, đến một lúc nào đó tự nhiên sẽ sinh ra mong muốn cũng viết được những câu chuyện nay giống như những gì mình đã đọc qua. Bạn đọc Harry Potter, bạn say mê và đắm chìm trong thế giới pháp thuật đầy màu nhiệm do nhà văn J. K. Rowling tạo ra, và rồi bạn cũng ao ước sẽ tạo ra được một thế giới giả tưởng của riêng mình. Thế là bạn tập viết.

Ngày xưa tôi học văn làng nhàng, không giỏi nhưng cũng không quá tệ. Khởi đầu với nguồn vốn văn chương khiêm tốn như vậy nên quá trình viết ra những câu chuyện đầu tiên là vô cùng chật vật. Nội dung đã có sẵn trong đầu, nhưng viết xong câu đầu tiên thì cũng vừa tịt ngòi vì không biết phải chuyển tiếp qua câu sau như thế nào. Tôi đọc nhiều, vốn dĩ kho từ ngữ và cách hành văn trong đầu cũng nhiều, chỉ là vì chưa quen cách truy xuất và sử dụng nguồn dữ liệu đồ sộ đó nên mãi mà chẳng viết được câu thứ hai. Dần dần khi đã viết đều hơn và trở thành thói quen thì câu chữ cứ tự động nhảy ra theo quán tính và nằm ngay ngắn trên mặt giấy. Như tôi đang viết bài tuỳ bút này cũng vậy, nghĩ đến đâu thì gõ bàn phím đến đấy chứ không hề chuẩn bị dàn bài trước. Nghĩ lại thì đấy là thành quả của suốt 15 năm tập tành viết lách.

Tôi viết blog khá sớm, nhớ không nhầm là từ những năm lớp 8 lớp 9 (khoảng đâu đó 2007-08). Ban đầu là viết trên Yahoo 360, về sau chuyển qua Blogspot của Google vì giao diện của nó trông chuyên nghiệp và giống với các website hơn. Nhờ viết blog mà tôi tự mày mò và học được hai thứ vô cùng hữu dụng: kĩ năng viết và cách thiết kế website. Đến bây giờ tôi chẳng còn nhớ bài blog đầu tiên mà tôi viết là gì, cái tôi còn nhớ là cảm giác thỏa mãn khi viết xong câu cuối cùng: “Rốt cuộc thì cũng hoàn thành trọn vẹn!”, một thứ cảm giác tương tự khi bạn chơi xong game, phá đảo và cứu được công chúa.

Tôi tạo blog “TÁC GIẢ THANH PHÚ” này năm 2023 với một tâm thế vừa giống vừa khác với hồi 2007. Giống ở chỗ tôi viết là vì tôi thích, tôi viết vì tôi có những câu chuyện rất hay (ít ra là tôi nghĩ vậy) trong đầu và muốn kể nó ra. Khác ở chỗ, bây giờ đây, khi thế giới đang chuyển mình chóng mặt trong bình minh của đủ thứ công nghệ như A.I., thực tại ảo (virtual reality), metaverse (vũ trụ điện tử), v.v., tôi có chút lo lắng vì sợ rằng blog sẽ sớm không còn chỗ đứng.

Blog nhận cú đấm đầu tiên khi Youtube trở nên nổi tiếng, kéo theo sự thông dụng của hình thức video blog, hay viết tắt là vlog. Mọi người thích xem vlog vì nó đơn giản hơn việc phải đọc một bài blog dài nhiều chữ. Những người thích đọc chắc chắn vẫn sẽ xem và đọc các blog, chỉ là theo những gì tôi thấy thì phần lớn người dùng phổ thông đều chọn xem video vì sự tiện lợi của nó. Tiếp đến là sự bùng nổ của các mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter. Đặc điểm của các mạng xã hội nói chung là ưu tiên cho những bài viết ngắn, đôi khi chỉ vài chục chữ, để thu hút lượt view, lượt reaction (like, share, comment) càng nhiều càng tốt để có thể tối đa hóa nguồn tiền có thể kiếm được từ quảng cáo. Điều này vô hình chung đã tạo ra sự thiếu kiên nhẫn ở người đọc, nhiều khi họ chỉ cần đọc mỗi cái tiêu đề và tự phán đoán nội dung của cả câu chuyện chứ chẳng cần phải đọc trọn vẹn bài viết. Thử lấy bài tuỳ bút này làm ví dụ xem sao, dù chưa phải là quá dài, nhưng nếu có ai đọc đến được dòng này xin comment một câu “Có tôi!” ở bên dưới để tôi (và nhiều người khác cũng đang tò mò) được biết.

A.I. là viết tắt của Artificial Intelligence, nghĩa là trí tuệ nhân tạo. Tôi không thích cách dùng từ này lắm bởi với sự giới hạn của công nghệ hiện tại thì chưa thể gọi đó là “trí tuệ” được, mà đơn thuần chỉ là máy móc với những thuật toán giúp chúng có thể trích xuất (extract) và kiến tạo (generate) ra những tổ hợp hình ảnh/văn bản mới từ nguồn dữ liệu mà chúng có được. Trong bài này tôi xin được phép gọi A.I. là công nghệ máy học, trùng với thuật ngữ Machine Learning, dù cho A.I. là một nhánh con của Machine Learning. Ở thời điểm ban sơ hiện tại của công nghệ máy học, các công cụ tạo văn bản như ChatGPT có thể tạo ra một bài viết dài chỉ sau chưa tới 30 giây nhưng chất lượng của nội dung thì vô cùng thấp. Về cơ bản những bài viết này chỉ như bản tóm tắt của các bài viết có nội dung tương tự trên internet nhưng đã được sắp xếp lại và dùng những từ ngữ đủ khác so với các bản gốc. Dù vậy thì những trang blog với những nội dung kém chất lượng này đã và đang bắt đầu tràn ngập trên internet. Chúng dễ dàng đứng ở top đầu ở bảng kết quả tìm kiếm của các công cụ như Google hay Bing, khiến cho những bài viết thực sự chất lượng và có tâm huyết bị đẩy xuống đến tận đáy.

ChatGPT chính ra là một công cụ tuyệt vời để giúp nâng cao chất lượng bài viết. Nó có thể giúp kiểm tra và chỉnh sửa những lỗi chính tả hay ngữ pháp của bài một cách cực kì nhanh chóng, bởi vậy sẽ rút gọn một cách đáng kể khoảng thời gian từ khi một tác phẩm được viết xong cho tới khi được công bố/đăng tải. Tuy nhiên, với nhiều blogger đặt mục tiêu thương mại lên hàng đầu, họ đơn giản là chẳng muốn, và cả không đủ khả năng, viết ra nguyên một bài viết quá dài và chi tiết. Họ nhập một dòng lệnh đại loại như ‘Viết một bài blog dài 1500 chữ nói về loài mèo’ thế là có ngay một bài viết sẵn sàng để đem upload lên internet. Những bài viết kiểu này khiến cho nguồn dữ liệu trên internet ngày còn loãng ra. Người dùng khi tìm kiếm sẽ chỉ thấy toàn những bài có nội dung na ná nhau cung cấp một lượng kiến thức thiếu chiều sâu.

Một cách tích cực, tôi lại nghĩ có khi đây sẽ là điều giúp các blog có chất lượng cao sống dậy. Khi phải tiếp xúc quá nhiều những nội dung nhạt nhẽo sẽ tới lúc mọi người sẽ mong muốn được đọc hay xem thứ gì đó hay ho hơn. Đây là điều mà những blog chất lượng cao có thể đem lại. Được viết bởi con người nên mỗi bài blog sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Hai tác giả khác nhau sẽ có hai chủ để hoàn toàn khác nhau, và mỗi người sẽ lại có một cách hành văn riêng biệt, từ đó tạo ra được nét riêng cho từng blog có chất lượng.

Tóm gọn lại, để trả lời cho câu hỏi ở tựa đề, liệu blog có còn chỗ đứng trong kỉ nguyên A.I., câu trả lời là có. Blog về bản chất là một nguồn cung cấp thông tin trên nền web 2.0, hay còn gọi là web phẳng, chính là những trang web mà bạn có thể truy cập thông qua các thiết bị có màn hình như máy tính hay điện thoại. Trong tương lai gần, khi mà công nghệ thực tế ảo và vũ trụ số vẫn chưa sẵn sàng, thì web phẳng vẫn sẽ là thứ thông dụng nhất với các blog là một phần xương sống của nó. Các công cụ A.I. như ChatGPT dần dần sẽ trở về đúng vị thế của nó, là những công cụ hỗ trợ cho người viết, chứ không phải để chúng tự “sáng tác”. Ở tương lai xa hơn, khi mà những công cụ này thực sự có trí tuệ chứ không phải là những thuật toán nữa thì lúc đó có khi mọi chuyện sẽ khác.

Nhưng đó sẽ là chuyện của 30 năm sau.

HẾT

Ngày 7 tháng 7 năm 2023

©2023 Thanh Phú. All right reserved.

Leave a Comment