Scandal Cambridge Analytica năm 2018 đã mở mắt cho người dùng internet thấy rằng quyền riêng tư của họ đã bị Facebook lợi dụng để kiếm tiền ra sao. Mọi người bắt đầu đấu tranh đòi quyền bảo mật thông tin cá nhân của mình trên không gian mạng, và cái giá là tiền phí sử dụng các mạng xã hội “miễn phí” này được cộng thêm vào hóa đơn chi tiêu hàng tháng của mỗi người.
Quay lại thời điểm những năm 2017, 2018 khi những lo ngại về quyền riêng tư trên không gian mạng, mà cụ thể hơn là trên các trang mạng xã hội như Facebook, bắt đầy dấy lên. Đó là thời điểm mà Facebook đang bùng nổ, là công cụ truyền tải thông tin hiệu quả nhất của mọi người, mọi lĩnh vực.
Facebook khi ấy dường như sở hữu một thuật toán kì diệu nào đó trong tay, luôn luôn đề xuất những bài viết và nội dung rất phù hợp với riêng cá nhân mỗi người, cứ như là Facebook đọc được não của từng người và biết họ muốn gì. Mọi người lờ mờ nhận ra rằng, có vẻ Facebook đã thu thập thông tin từ các nguồn mà người dùng nhập vào khi sử dụng Facebook, ví dụ như trong ô tìm kiếm hay khung chat, thậm chí là cả thông tin bên ngoài Facebook như khi người dùng lướt web hay tìm kiếm thông tin bằng trình duyệt.
Có một hiện tượng thật mà rất nhiều người dùng Facebook vào thời điểm đó đã từng trải qua, trong đó có bản thân tác giả, là khi bạn đang quan tâm hay suy nghĩ về điều gì đó trong đầu, chỉ vài phút sau khi mở Facebook lên bạn sẽ được đề xuất ngay một bài viết có liên quan đến ý nghĩ đó. Đây quả thực là một điều đáng sợ khi ý nghĩ đó thậm chí còn chưa được nói hay viết ra bên ngoài. Thuật toán của Facebook khiến người ta trầm trồ, nhưng cũng khiến người ta nhận ra một sự thật: mọi hoạt động trên không gian mạng của mình đang nằm trong tầm tay của Facebook.
Scandal Cambridge Analytica năm 2018 chính thức khẳng định những lo ngại của mọi người về quyền riêng tư của mình là sự thật. Hàng triệu dữ liệu về người dùng bị rò rỉ từ vụ scandal cho thấy Facebook đã thu thập thông tin cá nhân của người dùng và sử dụng chúng làm hồ sơ cho các mục đích chính trị và quảng cáo mà không hề được sự đồng ý của người dùng.
Bí mật vô đạo đức này của Facebook đã tạo ra những sự thay đổi quan trọng. Người dùng lên tiếng yêu cầu chấm dứt việc thu thập thông tin cá nhân của họ, Facebook bị điều tra, kiện tụng, và phải bồi thường cho những hành vi của mình, dù cho số tiền phạt chỉ như muối bỏ biển nếu so với lượng tiền mà họ kiếm về một cách bất hợp pháp từ người dùng suốt bao nhiêu năm qua. Các trang mạng xã hội và các websites cũng bị buộc phải thay đổi luật để tránh việc sử dụng thông tin của người dùng nếu không được cho phép.
Người dùng đã thắng, Facebook hay Youtube phải đổi luật, nhưng cái giá của nó là gì? Hiện tại của Youtube là $13.99/tháng (khoảng 340k) và sắp tới của Facebook là $11.99/tháng (khoảng 290k) để mọi người có thể mua lấy quyền riêng tư của mình. Đúng vậy, những trang mạng xã hội mà mọi người đang dùng là miễn phí, ngoại trừ việc chúng chẳng hề miễn phí.
Trong kỉ nguyên bùng nổ của các nhà sáng tạo nội dung (creators và influencers) hiện nay thì các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Youtube, X (Twitter), Tiktok trở thành những nền tảng để đăng tải và lưu trữ những sản phẩm giải trí như video, hình ảnh, âm nhạc, bài viết, v.v. để phục vụ người dùng. Về bản chất thì những công ty công nghệ lớn này là các doanh nghiệp, họ bỏ tiền ra để đầu tư vào nhân sự (nhân viên, kĩ sư, các giám đốc điều hành,…) và cơ sở hạ tầng (văn phòng, cơ sỡ lưu trữ dữ liệu,…) với mục đích tối thượng là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Nguồn thu chính ở mảng mạng xã hội phần lớn đến từ quảng cáo. Các đơn vị (cá nhân hay doanh nghiệp) có nhu cầu muốn quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hay thông điệp nào đó của mình thì buộc phải trả tiền quảng cáo cho nền tảng để nền tảng đó giúp phân phối nội dung đó đến tận tay người đọc.
Trước thời điểm năm 2018 thông tin người dùng quả thực là một mỏ vàng đối với các công ty công nghệ. Mọi thói quen và hoạt động của người dùng khi sử dụng mạng xã hội đều sẽ được ghi lại, và thuật toán của từng nền tảng sẽ biến những thông tin này thành một hồ sơ dữ liệu của riêng cá nhân đó. Đến khi được trả tiền để chạy quảng cáo, Facebook hay Youtube sẽ phân phối nội dung cần quảng cáo đó đến những người dùng có tiềm năng sẽ tương tác với nội dung quảng đó, dựa theo lượng thông tin về thói quen và hành vi đã thu thập được. Với sự hiệu quả cực cao như vậy, những nhà quảng cáo sẵn sàng chi tiền cho Facebook hay Youtube vì họ biết số tiền họ bỏ ra sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành lượt tương tác hay lượt mua sản phẩm, từ đó giúp họ bán được nhiều sản phẩm hay quảng bá thương hiệu của họ đến với càng nhiều người càng tốt.
Sau khi luật được chỉnh sửa, người dùng được quyền ngăn không cho các công ty công nghệ thu thập những hoạt động của mình trên nền tảng, chính điều này khiến cho những hoạt động quảng cáo trở nên kém hiệu quả hơn rõ rệt. Người dùng không còn bị nhồi nhét bởi những quảng cáo có liên quan trực tiếp đến mình, từ đó giảm đi việc phải tiêu tiền không kiểm soát. Người dùng được bảo vệ và có thể sử dụng internet một cách lành mạnh hơn. Nhưng điều này lại khiến Facebook hay Youtube ngứa mắt. Nguồn thu chính từ quảng cáo của họ bị giảm mạnh, buộc họ phải tìm ra cách khác để thu thêm tiền, và lần này là móc trực tiếp từ túi người dùng.
Youtube, với lợi thế là hàng triệu video giải trí có sẵn và một lượng khổng lồ các nhà sáng tạo không ngừng sản xuất ra những nội dung với mỗi ngày, trở thành người đi đầu trong việc thu phí nếu người dùng chọn không xem quảng cáo. Về cơ bản thì có thể xem đây là số tiền mà người dùng sẽ “trả” cho những Youtubers, ngoại trừ việc một phần lớn trong số đó sẽ rơi vào túi Youtube. Youtube khiến người xem cảm thấy việc trả tiền phí là xứng đáng bằng việc chèn rất nhiều quảng cáo với thời lượng rất dài lên các video, cứ mỗi đầu video sẽ là 15-20s quảng cáo, tiếp đó là trung bình cứ mỗi 5-10 phút sẽ hiện ra 15-30s quảng cáo. Hẳn nhiên làm gì có mấy ai có đủ kiên nhẫn khi phải liên tục dài cổ chờ cho hết quảng cảo lần này đến lần khác, từ đó buộc họ hoặc là phải móc ví ra, hoặc là phải tìm đến các công cụ giúp chặn quảng cáo, như các extension adblock hay các trình duyệt tích hợp sẵn chặn quảng cáo. Cuộc chiến giữa các công cụ chặn quảng cáo và Youtube là một cuộc chiến dài hơi và không hồi kết, xin được bày trong một bài viết khác.
Về phần Facebook, họ cũng đang rục rịch thu tiền người dùng trong thời gian sắp tới. Để tránh sự phản kháng diện rộng, họ không thực hiện việc thu phí cùng một lúc ngay lập tức, mà tiến hành ở từng khu vực một. Mức phí theo dự kiến là $11.99/tháng (khoảng 290k) nếu đăng ký qua website và $14.99 (khoảng 365k) nếu thông qua App Store của Apple hay Play Store của Google. Nếu việc trả phí cho Youtube có phần hợp lí vì nó là nguồn giải trí chính của mọi người với hàng triệu nội dung mới mỗi ngày, thì cái giá mà Facebook đề ra có phần khó hiểu hơn hẳn. Người dùng trả phí cho Facebook để được gì? Được dấu tick xanh (verified badge), không có quảng cáo, và hết. Không giống như Youtube, các quảng cáo trên Facebook phần lớn đều ở dạng bài post và người dùng có thể dễ dàng kéo lướt qua. Tất nhiêu các video của Facebook cũng có chèn quảng cáo, nhưng sự thực thì chẳng mấy ai quá mặn mà với các video đó, bởi nếu nó đã có trên Facebook, thì chắc chắn sẽ dễ dàng tìm được trên Youtube. Còn về tick xanh, hay verified badge, ngoại trừ những influencers cần khẳng định sự uy tín của bản thân, thì với phần lớn người dùng phổ thông nó là thứ vô nghĩa.
Là những doanh nghiệp, với mục tiêu chính là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, chắc chắn cả Facebook hay Youtube đều sẽ không ngừng tìm ra những cách mới để buộc người dùng phải chi tiền. Họ dùng những lí do nghe có vẻ chính đáng như thu tiền để trả cho những người sáng tạo nội dung, nhưng thực chất thì phần lớn trong số tiền đó đều sẽ chảy về túi họ để bù vào phần tiền bị mất đi từ quảng cáo.
Quả nhiên, trên đời này chẳng có gì miễn phí, đặc biệt là những thứ tự nhận rằng mình miễn phí. Họ sẽ buộc bạn phải trả thôi, bằng cách này hay cách khác.
©2023 Thanh Phú
Đọc thêm về vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_b%C3%AA_b%E1%BB%91i_d%E1%BB%AF_li%E1%BB%87u_Facebook%E2%80%93Cambridge_Analytica