Ở phòng giáo viên dưới lầu một lúc này chỉ có mình thầy Sơn đang ngồi chấm bài. Nhìn những con số sáu bảy nằm đầy trước mặt thầy chỉ biết lắc đầu. Kiểm tra mười lăm phút, thầy cho một bài véc-tơ ngắn ngủn y hệt bài tập về nhà thầy giao tuần trước, ấy vậy mà chấm suốt cả buổi thầy vẫn chưa thấy bất kỳ bài nào làm được trọn vẹn.
Một cái tên xuất hiện sau cùng giữ lại cho thầy Sơn chút hi vọng. Trần Thiên Thức. Lớp phó học tập lớp 10A, là đứa học trò giỏi nhất của lớp mà thầy chủ nhiệm. Nhìn bài làm của Thức, thầy Sơn gật gù cảm kích. Từ nãy tới giờ chỉ mỗi bài của Thức là giải được chính xác tới hết câu c. Thầy chấm ngay lên tờ giấy một con mười đỏ chói, phê kèm theo một câu: “Giỏi, hãy chăm chỉ hơn nữa!”
Đẩy bài của Thức sang một bên, thầy Sơn lui cui đếm lại thử xem mình có bỏ sót bài của đứa nào không. Một hồi trống dài đột ngột vang lên. Ngước nhìn cái đồng hồ trên tường, thầy Sơn nhận ra đã chín giờ hai lăm, giờ ra chơi của lũ quỷ con. Thầy thong thả xếp gọn đống bài kiểm tra trên bàn lại.
Từ các phòng học tiếng huyên náo mỗi lúc một lớn dần. Ngay khi các thầy cô vừa bước ra khỏi lớp, từ sau lưng bọn học trò cũng bắt đầu túa ra. Giờ ra chơi chỉ có mười lăm phút, lại phải mất toi năm phút để tập bài thể dục toàn trường, thành ra ngay sau tiếng trống đứa nào cũng ráng chạy thiệt nhanh ra khỏi lớp để làm mấy chuyện cá nhân trước. Tụi nó cảm thấy nếu làm như vậy thì mình sẽ ‘lời’ trọn vẹn hẳn mười phút sau khi tập xong bài thể dục. Tụi nó đâu biết rằng nhờ cái sự lề mề đó mà bài thể dục bao giờ cũng bị dời lại thêm ít nhất là ba, bốn phút.
Thầy Sơn vừa nhâm nhi ly nước trà vừa nhìn ra cửa chờ các thầy cô khác. Người xuất hiện đầu tiên là thầy Hiển. Thầy Hiển là một thầy giáo trẻ, vừa về trường dạy hồi năm ngoái. Những ngày đầu chính thức hành nghề gõ đầu trẻ, hẳn nhiên thầy Hiển còn rất nhiều bỡ ngỡ. Dáng vẻ sợ sệt đó làm thầy Sơn nhớ lại hình ảnh của mình lúc mới vào nghề, hơn nữa cả hai lại cùng là giáo viên dạy toán, thành ra thầy Sơn luôn sẵn sàng giúp đỡ người đồng nghiệp mới của mình mỗi khi cậu ta gặp khó.
Hôm nay, khi thấy thầy Hiển bước vào, nhìn nét mặt thất thần của cậu thầy Sơn biết ngay là lại có chuyện. Thầy liền ngoắc tay gọi thầy Hiển lại: “Nhìn mặt sao giống mất sổ điểm vậy?”
Ngồi xuống bên cạnh, thầy Hiển lắc đầu, ráng nặn ra một nụ cười: “Dạ không có, không phải chuyện ở trường…”
Thầy Hiển nói chưa hết câu thì bỗng dưng im bặt, mắt nhìn chằm chằm vào sấp bài kiểm tra trên bàn. Thầy Sơn thấy ánh mắt kì lạ của thầy Hiển cũng liền nhìn theo. Khi thấy chỉ là chồng bài kiểm tra mười lăm phút, thầy Sơn liền nhíu mày thắc mắc: “Là bài kiểm tra của lớp 10A, bộ có gì lạ hả?”
Thầy Hiển hỏi thầy Sơn bằng một giọng run run: “Bài… bài trên cùng là của em Thức hả thầy?”
“Ừ, bài của thằng Thức.” thầy Sơn gật gù, “Thiệt, bài dễ òm mà cả lớp chỉ có một mình nó là được mười điểm!”
Thầy Hiển dường như chẳng hề quan tâm đến đoạn sau mà thầy Sơn nói, mắt cứ nhìn chằm chằm xuống bài kiểm tra. Thấy thái độ của anh chàng giáo viên mới hôm nay hoàn toàn kì lạ, thầy Sơn gặng hỏi một lần nữa: “Bộ em thấy bài kiểm tra có gì lạ hả?”
Thầy Hiển vẫn chăm chú nhìn từ con số mười đỏ chói qua ô lời phê bên cạnh, không trả lời ngay. Sau một thoáng im lặng, thầy Hiển ngiêng người nói nhỏ với thầy Sơn: “Có chuyện này em muốn kể cho thầy nghe, nhưng không biết là thầy có chịu tin em không?”
“Thì thầy cứ nói ra thử, nếu giúp được gì thì tôi sẽ giúp cho!”
“Không phải là chuyện gì em cần nhờ,” thầy Hiển đính chính, “thiệt ra là hồi hôm em nằm mơ, thấy mấy chuyện diễn ra y như những gì em trải qua từ sáng tới giờ nên em hơi sợ.”
Thầy Sơn nghe tới đây thì không biết phải đáp làm sao. Tưởng đâu cậu trẻ này gặp vấn đề gì khó khăn trong việc giảng dạy thì may ra thầy có thể giúp đỡ được. Chứ chỉ là một giấc mơ thì thầy biết giúp kiểu gì?
Thấy thầy Sơn lặng thinh thầy Hiển bắt đầu kể: “Tối hôm qua em nằm mơ, thấy đang trên đường đến trường thì xe bị xẹp bánh, phải dắt một đoạn dọc phố để tìm tiệm sửa xe. Lúc em tới được trường thì đã sát giờ vào lớp, phải ba chân bốn cẳng chạy lên phòng học trên lầu ba, ai ngờ chạy gấp quá tay áo quệt phải một chỗ gạch trên tường, bị rách một lỗ. Tiếp đó em mơ thấy cảnh em ngồi đối diện với thầy, trước mặt thầy là bài kiểm tra mười điểm của một em học sinh tên Trần Thiên Thức.”
“Lúc thức dậy em không để ý mấy vì nghĩ chỉ là mơ. Ai ngờ tới lúc đi đến trường thì tự nhiên xe em bị xẹp. Ban đầu em cũng chỉ cười vì nghĩ sao mà giống giấc mơ đêm qua quá. Đến khi tới trường, trong lúc em chạy thiệt nhanh từ lầu hai lên lầu ba để kịp vào tiết, em vô tình cạ sát người vào tường, làm ống tay áo bị rách nguyên một lỗ. Tới đây thì em bắt đầu hơi ngờ ngợ. Vừa rồi em lại thấy tập bài kiểm tra của lớp thầy, ở trên cùng là bài của em Thức, mà từ trước tới giờ em đã bao giờ nghe tới cái tên Trần Thiên Thức đâu, làm sao tự dưng mà mơ thấy được!”
Thầy Hiển kể hết một mạch về giấc mơ của mình. Thầy Sơn vẫn ngồi yên đó nhìn thầy Hiển hồi lâu. Nếu đúng như những gì thầy Hiển kể thì quả là trùng hợp đến khó tin. Chuyện người ta thấy những gì ở trong mơ diễn ra ngoài đời thực không phải là hiếm, nhưng diễn ra đến tận ba lần thì chắc chắn không phải bình thường.
Nghe cách kể của thầy Hiển thầy Sơn không tin là người đàn em của mình đang nói xạo. Chẳng thể giải thích được, thầy Sơn chỉ đành gật gù đồng tình: “Mấy cái chuyện nhìn thấy trong mơ khoa học hiện nay cũng chưa có lời giải, chắc là linh cảm của thầy nhạy hơn của người ta!”
Thấy có người chịu tin câu chuyện của mình thầy Hiển mừng hết biết. Hồi sáng, trong lúc đứng ở hành lang chờ chuyển tiết, thầy Hiển có gặp cô Nga, người cũng khá thân với thầy trong trường. Không thể kiềm lòng trước những sự trùng hợp, thầy Hiển ngay lập tức kể cho cô Nga nghe về giấc mơ kì lạ.
Cô Nga dạy môn Hóa, là con người của khoa học. Cô tất nhiên tin vào xác xuất và những biến cố ngẫu nhiên. Dẫu vậy, những chuyện ở trong giấc mơ của thầy Hiển chỉ vô tình trùng hợp có hai lần, như vậy chưa thể coi là đủ số liệu để có thể ‘quy nạp’ rằng những chuyện khác trong giấc mơ của thầy Hiển cũng sẽ xảy ra.
Vừa lúc ấy tiếng chuông báo chuyển tiết cũng vang lên, cô Nga nhẹ nhàng khuyên thầy Hiển một câu trước khi bỏ đi: “Thường thì giấc mơ sẽ phản ánh lại những sự việc hàng ngày xung quanh mình, cho nên nếu em thấy những việc ngoài đời sao mà giống trong mơ thì cũng là chuyện thường, không có gì lạ hết!”
Buồn vì cô Nga chẳng tin lời mình, nhưng chính bản thân thầy Hiển cũng phải ngầm thừa nhận rằng lời của cô Nga có đến mấy phần hợp lí. Chỉ đến ngay lúc này, khi nhìn thấy tập bài kiểm tra của lớp 10A thì thầy Hiển mới bắt đầu có niềm tin chắc chắn hơn về giấc mơ của mình. Cái tên. Con số. Lời phê. Toàn bộ đều giống y như những gì mà thầy thấy. Đúng là giấc mơ có thể phản ánh những việc hàng ngày, nhưng làm sao lại phản ánh chính xác đến từng cái tên con số như thế, lại là cái tên mà thầy hoàn toàn chưa từng nghe qua bao giờ. Tập bài kiểm tra là mảnh ghép cuối cùng khiến thầy hoàn toàn tin những gì mình mơ đêm qua chính là một điềm báo trước.
Được thầy Sơn đồng tình, ban đầu thầy Hiển cũng tươi vui lên trong chốc lát nhưng chẳng bao lâu lại chuyển ngược về bộ mặt lo lâu như cũ. Thầy chợt nhận ra, nếu đúng là linh cảm của mình nhạy, vậy thì những gì diễn ra kế tiếp sẽ không phải chỉ là con số mười trên tờ bài làm của em Thức. Không, giấc mơ của thầy không chỉ dừng lại ở đó.
Thầy Sơn thấy nét mặt của thầy Hiển cứ thay đổi liên tục, hết buồn sang vui, hết vui lại buồn, nên đành phải hỏi thẳng: “Sao mới thấy mặt thầy giãn ra mà giờ lại căng nữa vậy?”
Thầy Hiển thật thà trả lời: “Em mừng vì có người chịu tin em. Nhưng em lo vì đó mới chỉ là một nửa giấc mơ đêm qua. Ở sau còn có một số chuyện khác nữa!”
Thầy Sơn nhíu mày: “Thầy còn mơ thấy những gì?”
“Em nhớ là, sau khi gặp thầy, em thấy mình đang đứng ở trong lớp giảng bài. Ở bên ngoài hành lang có một em học sinh chạy ngang qua. Học sinh chạy nhảy là chuyện thường nên em cũng không để tâm lắm. Bỗng mấy đứa học sinh ngồi kế cửa sổ ngoái đầu nhìn ra ngoài, la hét ầm ĩ. Em không rõ chuyện gì nhưng cũng đi ra cửa xem thử, vừa lúc nhìn thấy thầy đang dạy ở lớp kế bên cũng bước ra. Lúc này cả thầy với em cùng nhìn thấy em học sinh ban nãy đang nằm trên mặt đất, máu mũi chảy ướt mặt, ướt xuống luôn cổ áo.”
Nghe thầy Hiển kể tới đây, thầy Sơn hơi giật mình: “Tiết bốn sau giờ ra chơi hôm nay tôi dạy ở lớp 10A phòng một lẻ một, hình như là thầy dạy ở phòng một lẻ hai kế bên?”
“Dạ, đúng rồi,” thầy Hiển gật đầu xác nhận, “tiết bốn em dạy lớp 10B.”
Thầy Sơn nhìn thầy Hiển không biết phải nói gì, lúc này đã bắt đầu tin dần vào những điều trùng hợp.
Thầy Hiển tiếp tục kể: “Nhưng đó chưa phải là toàn bộ, trong mơ em thấy có một chuyện còn ghê hơn!”
Thầy Sơn ngạc nhiên: “Thầy còn thấy gì nữa?”
Thầy Hiển ngó nghiêng xung quanh, trông lén lút như là người chuẩn bị làm chuyện xấu. Thầy hạ giọng, thì thầm với thầy Sơn: “Sau đó, em mơ thấy trường mình bị sập!”
“Hả?” thầy Sơn nghe thầy Hiển nói liền cười phụt ra. Từ nãy tới giờ thầy Sơn quả là ít nhiều có tin vào những điềm báo trong giấc mơ của thầy Hiển. Nhưng nghe thấy trường bị sập thì thầy chẳng thể nào nhịn cười được. Thầy hóm hỉnh nói với thầy Hiển: “Tôi tưởng mơ thấy trường sập là giấc mơ độc quyền của tụi học sinh, chứ thầy giáo mà mơ trường sập thì cuối tháng làm sao có lương!”
Thầy Hiển gật gù: “Em cũng hi vọng là vậy, nhiều khi em mơ như thế nhưng biết đâu lát nữa chỉ rớt có miếng xi măng chút xíu từ trên trần nhà xuống!”
Cả hai thầy liền cười khoái chí với nhau sau câu nói giỡn. Bản thân thầy Hiển cũng không tin rằng trường mình sẽ sập, nhưng từ sáng đến giờ thầy vẫn luôn lo lắng vì liên lục nhìn thấy những điều trong mơ trở thành sự thực. Chính câu nói dí dỏm của thầy Sơn đã giúp cho tâm trạng của thầy Hiển được giải tỏa phần nào.
Vừa lúc đó tiếng trống báo giờ vào lớp lại vang lên. Hai người thầy ngồi nán lại ở phòng giáo viên thêm chút nữa, chờ bọn học sinh vào lớp đông đủ hẳn rồi mới từ từ xách cặp lên lớp.
*******
Tiếng chuông báo hết tiết một reo lên. Cô Nga sau khi dặn bọn học sinh lớp 12A nhớ làm bài tập đầy đủ thì sách cặp bước ra khỏi lớp.
Nhìn thấy thầy Hiển đang đứng trên hành lang, cô Nga lại gần chào hỏi. Cậu giáo viên trẻ này đã dạy ở đây được hai học kì nhưng theo cô thấy thì cậu vẫn còn khá lóng ngóng, cần được dìu dắt thêm. Do đó mà mỗi khi gặp thầy Hiển cô đều chủ động chào hỏi trước để cậu khỏi bỡ ngỡ.
Thái độ của thầy Hiển hôm nay làm cô Nga vô cùng ngạc nhiên. Không còn rụt rè như những lần trước, hôm nay cậu chủ động bắt chuyện với cô, lại kể nguyên một hồi dài về giấc mơ của mình tối hôm trước. Không muốn cắt ngang câu chuyện, cô Nga đành đứng nghe từ đầu tới cuối. Cô gần như thở phào khi tiếng chuông báo tiết hai kêu lên.
Bước về phòng học của lớp 12E ở cuối lầu ba, cô Nga tự cười thầm trong đầu. Ai ngờ cậu trai trẻ ấy lại tin vào mấy chuyện trong mơ, lại còn cho rằng nó là điềm báo. Con người đi ngủ ai mà chẳng mơ. Chính bản thân cô Nga tối qua cũng mơ vậy. Cô thậm chí mơ thấy chuyện còn kinh khủng hơn nhiều: trường sập, đổ nát khắp nơi, rồi hàng loạt học sinh mặt mũi đầy máu me nằm im ru dưới đống đổ nát.
“Mơ mà thành thật dám trường mình ngày mai lên trang nhất lắm!”. Cô Nga cười thầm trong bụng, nhẹ nhàng bước qua cửa lớp.
*******
“Mấy đứa bay làm thầy buồn quá, bài có ba câu dễ òm mà cũng làm không được!”
Thầy Sơn vừa nói vừa giao lại tập bài kiểm tra cho Dương, lớp trưởng lớp 10A. Dương cầm sấp bài đi khắp lớp, trả bài cho từng đứa một. Nhìn thấy điểm của mình, ba mươi mấy đứa học sinh thì cũng có từng ấy cảm xúc khác nhau. Đứa buồn rầu, đứa thản nhiên, đứa xấu hổ, duy chỉ có một đứa là cười tươi như hoa loa kèn, còn có thể là ai khác ngoài Thức.
Ngày hôm qua, lúc làm bài nó đã biết sẽ không có mấy đứa trong lớp làm được câu c. Đề bài tuy tương tự như bài tập về nhà nhưng không hẳn là giống hoàn toàn. Thầy Sơn đổi nhẹ dấu cộng thành trừ, đổi trừ thành cộng, làm các véc-tơ cũng đổi hướng loạn xà ngầu, nếu không để ý kĩ thì còn lâu mới làm đúng được câu cuối. Thức là một đứa siêng năng, ngoài bài tập thầy giao, nó còn tự động làm thêm bài trong mấy quyển sách tham khảo, thành ra không một sự lắt léo nào có thể làm khó nó được. Thức vừa mừng, vừa ngạc nhiên vì không ngờ trong lớp chỉ có mình nó là được điểm trọn vẹn.
Thầy Sơn nhìn những gương mặt bên dưới, thấy chỉ khoảng một phần ba là đang buồn, còn lại hai phần ba dường như chả quan tâm mấy đến điểm của mình, nhận bài xong thì nhét luôn vào cặp, không cần coi lại là mình làm đúng sai chỗ nào. Chứng kiến thái độ thờ ơ đó của mấy đứa học trò, thầy Sơn tự nhủ trong lòng, kể từ hôm nay thầy sẽ không để tụi nó được thảnh thơi nữa.
Đám học sinh lớp 10A ngay lập tức nhận ra sự thay đổi. Trong mấy chục phút sau đó thầy Sơn vừa giảng vừa liên tục hỏi bài từng đứa một. Thầy gần như không để bất kỳ đứa nào có thời gian rảnh, buộc tụi nó phải để ý tới lời thầy nói. Ngay cả cái đứa hay giấm dúi đọc truyện trộm như thằng Phước hôm nay cũng không dám hó hé gì. Nó cảm nhận được sự hối thúc trong cách dạy của thầy Sơn. Bởi vậy mà nó chẳng thể động tay động chân, đành để quyển Conan đang đọc dang dở nằm buồn thiu dưới ngăn bàn.
Nhưng đời không như mơ. Thằng Phước những tưởng hôm nay mình chỉ cần ngồi im nghe giảng là được, ai ngờ đâu chính nó lại bất ngờ bị thầy Sơn chỉ tay đứng dậy, kêu nó nhắc lại những gì thầy vừa mới giảng. Thằng Phước tất nhiên là ù ù cạc cạc. Từ nãy tới giờ mắt nó tuy vẫn chăm chú nhìn thầy nhưng đầu óc nó lại trôi qua tận Nhật Bản để dõi theo gã siêu trộm Kid hành nghề đạo tặc, thành ra nó không hề biết là thầy Sơn đang giảng cái tới cái cục kẹo gì rồi. Thấy thầy Sơn chỉ tay vào mình nó đành run rẩy đứng dậy, mắt nhìn sang mấy đứa xung quanh cầu cứu.
Mấy đứa bên cạnh dĩ nhiên là chẳng dại gì mà cứu. Tụi nó đủ thông minh để nhận ra thái độ cứng rắn trong cách thầy Sơn giảng bài ngày hôm nay, thành ra cả bọn cứ mặt kệ thằng Phước, ngồi yên đó giương mắt nhìn.
Đang giữa lúc dầu sôi lửa bỏng thì ở bên ngoài hành lang bỗng có một một tiếng ‘BỊCH’ rõ to vang lên. Mọi cái đầu, bao gồm của cả thầy Sơn, ngay lập tức ngoái nhìn ra ngoài. Thằng Phước thở phào nhẹ nhõm, nhanh chóng quên đi tình cảnh hiện tại của mình, nhập bọn với mấy đứa khác trong lớp nhìn ra cửa sổ hóng chuyện.
Con Như là đứa ngồi gần cửa sổ nhất, cũng là đứa đầu tiên biết được nguyên nhân. Nó hốt hoảng la lớn: “Thằng Bá lớp 10D, nó té xịt máu mũi rồi!”
Tiếng la oai oái của con Như ngay lập tức có tác dụng y hệt dòng headline to đùng trên mặt báo. Bọn học sinh trong lớp nghe được liền bắt đầu nhao nhao, ráng nhướn người lên cao hết cỡ để nhìn cho rõ. Thầy Sơn dặn tụi nó cứ ở yên trong lớp rồi vội vàng đi nhanh ra cửa.
Thầy Sơn vừa bước ra ngoài thì thấy ngay thầy Hiển đang dạy ở lớp bên cạnh cũng vừa bước ra. Hai người ngạc nhiên nhìn nhau, rồi nhìn đứa học trò tên Bá đang nằm sóng soài trên hành lang, máu chảy ướt xuống tận cổ áo.
Thầy Hiển nhanh chóng chạy đến phòng y tế để lấy hộp cứu thương, sau đó quay trở lại chỗ thằng Bá. Lúc này học sinh của hai lớp đang đứng bu đen bu đỏ hóng chuyện, làm báo thầy Hiển phải vừa hò hét vừa lách người mới chen vào được. Thầy Sơn đón lấy hộp cứu thương, nhanh nhẹn chậm máu trên mũi thằng Bá. Thầy Hiển ngồi bên cạnh, bơ phờ nhìn thằng Bá rồi lẩm bẩm trong miệng: “Chết rồi, chết rồi, là thiệt rồi!”
Thầy Sơn ngồi ở kế bên, mặc cho tụi học trò đang đứng vòng trong vòng ngoài bàn tán ầm ĩ, thầy vẫn kịp nghe những lời của thầy Hiển.
Chậm máu xong cho thằng Bá, khi thấy nó vẫn còn tỉnh táo và có thể tự đi được, thầy Sơn cùng thầy Hiển dìu nó lên phòng y tế. Cô Hòa y tá sau khi nghe chuyện liền bỏ dỡ bữa ăn sáng ở căn-tin và kịp chạy về tới. Thầy Sơn giao Bá lại cho cô Hòa, sau đó kéo tay thầy Hiển ra một góc, nói nhỏ: “Hồi nãy tôi còn không tin, chứ bây giờ thì những gì thầy mơ trở thành thiệt hết rồi!”
Thầy Hiển cũng sợ hãi: “Chết rồi, làm sao bây giờ hả thầy, trường mình sắp sập thiệt đó!”
Thầy Sơn dù sao cũng là người bình tĩnh hơn, sau một thoáng suy nghĩ, thầy hỏi lại thầy Hiển: “Thầy cố nhớ thử, thầy có biết lúc nào thì trường sập không?”
Thầy Hiển nghe câu hỏi của thầy Sơn bỗng ngớ người. Thầy chỉ nhớ là trường sẽ sập, nhưng không để ý tới thời gian. Dẫu vậy, thầy vẫn cố lục lại trong kí ức của mình. Thầy nhớ là lúc đó mình đang đứng trong lớp học, đang giảng bài thì toàn trường bắt đầu rung lắc mạnh, thầy chưa kịp chạy thì bên dưới chân đã sụp xuống một lỗ, thầy bị rơi xuống dưới, sau đó cũng giật mình mà tỉnh dậy luôn.
Thầy Hiển liền kể lại chi tiết này cho thầy Sơn.
Thầy Sơn suy nghĩ một hồi, sau đó tiếp tục hỏi thầy Hiển: “Bữa nay thầy còn dạy mấy tiết nữa?”
“Em còn một tiết cuối ở lớp 12C trên lầu ba, phòng ba lẻ ba. Buổi chiều thì em không có dạy.”
Thầy Sơn gật gù: “Hiện tại thầy đang dạy lớp 10B là ở lầu một nên không thể có chuyện sàn nhà bị sụp được. Vậy chỉ có khả năng duy nhất là nó sẽ diễn ra vào tiết năm, khi thầy đang dạy trên lầu ba.”
Thầy Hiển sợ hãi: “Vậy phải làm gì bây giờ hả thầy?”
Thầy Sơn bình tĩnh nói ra ý của mình: “Chuyện này nếu kể cho người khác nghe chắc chắn là sẽ không có ai tin, nhưng lờ trường mà sập thiệt thì mấy trăm em học sinh cùng với thầy cô giáo sẽ bị nguy hết. Giờ tôi với thầy lên phòng hiệu trưởng. Dù khó nhưng mình cũng phải cố gắng thuyết phục cho bằng được thầy hiệu trưởng cho toàn trường nghỉ tiết năm.”
Thầy Hiển liền đồng ý ngay với ý kiến của thần Sơn. Thầy Hiển là giáo viên mới, tự nhiên đi thưa với thầy hiệu trưởng cho học sinh nghỉ hẳn một tiết thì chắc chắn là không đời nào được đồng ý. Nhưng thầy Sơn thì khác. Thầy Sơn đã dạy ở đây suốt mấy chục năm, nếu thầy mở lời thì thầy hiệu trưởng nhất định sẽ phải suy nghĩ.
Ở trong phòng hiệu trưởng lúc này thầy hiệu trưởng và thầy hiệu phó đang nói chuyện vui vẻ. Nghe mấy tiếng ‘Cốc, cốc, cốc!’ cả hai thầy liền ngước đầu nhìn lên, nhận ra thầy Sơn và thầy Hiển đang đứng lấp ló bên ngoài. Thầy hiệu trưởng vui vẻ mời cả hai người vào trong, hỏi chuyện: “Nghe nói có một em học sinh bị té ngã, tình hình ra sao rồi?”
“Em đó đang được cô Hòa chăm sóc, tình trạng cũng không nguy hiểm lắm.” Thầy Sơn vừa nói vừa kéo tay thầy Hiển cùng bước vào.
Thầy hiệu trưởng nhìn một lượt cả hai thầy rồi hỏi: “Hai thầy ngồi xuống đi! Mà cả hai thầy cùng tới gặp tôi có chuyện gì?”
Thầy Hiển liếc nhìn thầy Sơn. Thầy Sơn chậm rãi thưa chuyện: “May là có cả hai thầy ở đây, bọn tôi có chuyện muốn hỏi ý kiến của mấy thầy.”
Thầy hiệu trưởng đưa mắt nhìn thầy hiệu phó, có vẻ thắc mắc, những cũng nhanh chóng gật đầu để thầy Sơn trình bày. Thầy Sơn bắt đầu kể về giấc mơ của thầy Hiển, về những điều trùng hợp đến khó tin đã xảy ra, về chuyện nhìn thấy em Bá bị té chảy máu và sau cùng là chuyện trường sập.
Thầy Sơn kể xong liền chăm chú nhìn thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng hoàn toàn ngạc nhiên, không biết mình phải đón nhận chuyện này như thế nào. Thầy phân vân hỏi lại: “Những gì thầy kể nãy giờ, toàn bộ đều là giấc mơ của thầy Hiển?”
Thầy Sơn gật đầu: “Đúng là từ giấc mơ của thầy Hiển, nhưng mà chính mắt tôi cũng nhìn thấy một số chuyện đã xảy ra!”
Vẫn còn đang ngạc nhiên, thầy hiệu trưởng tiếp tục dò hỏi: “Vậy ý của hai thầy là cả hai tin rằng lát nữa trường mình sẽ sập và muốn tôi cho sơ tán toàn bộ học sinh?”
Thầy Sơn lại gật đầu: “Phải!”
Thầy hiệu trưởng nghe câu trả lời chắc nịch liền ngả người ra sau suy nghĩ. Sao tự dưng lại thầy Sơn lại đi nói chuyện gì tào lao thế này. Bản thân thầy hiệu trưởng không tin vào giấc mơ của thầy Hiển, và muốn trả lời rằng đó chỉ là chuyện hão huyền. Nhưng nhìn nét mặt đầy cương quyết của thầy Sơn, thầy lại có chút phân vân. Thầy Sơn đã dạy ở trường này gần ba mươi năm, đường đường là một giáo viên dạy toán, lại tin vào giấc mơ kì lạ của thầy Hiển, ắt hẳn thầy Sơn đã thấy một điều gì đó vô cùng thuyết phục. Bãi bỏ một tiết học sẽ làm xáo trộn lịch giảng dạy của cả hai khối mười và mười hai, chính thầy hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm. Nhưng nếu không bãi bỏ, lỡ mà trường sập thiệt thì… Không, đời nào lại có chuyện ấy xảy ra!
Thầy hiệu phó ngồi kế bên biết thầy hiệu trưởng đang khó nghĩ. Thầy hiệu trưởng là người đứng đầu của trường, là người đứng mũi chịu sào, không thể nào đưa ra quyết định tùy tiện chỉ vì giấc mơ của một anh thầy giáo trẻ.
Thầy hiệu phó suy nghĩ một hồi rồi đưa ra gợi ý: “Tôi có ý này, thay vì cho học sinh nghỉ, hay là mình tìm một lí do gì đó cho toàn bộ học sinh ra ngoài sân trường sinh hoạt, chuyện dạy bù mình có thể nói khó lại với các thầy cô sau.”
Thầy Sơn và thầy Hiển nghe những lời ấy như người đang đuối nước vớ được phao, liền cùng nhìn thầy hiệu trưởng đầy hi vọng. Thầy hiệu trưởng thấy lời của thầy hiệu phó cũng có vẻ hợp lí thì suy nghĩ trong giây lát rồi hỏi thầy Hiển: “Thầy về trường mình từ bao giờ tôi quên rồi?”
Thầy Hiển dù không hiểu vì sao tự dưng thầy hiệu trưởng lại hỏi vậy nhưng vẫn trả lời: “Dạ, em được nhận từ giữa tháng tám năm ngoái, vào dạy luôn từ năm học trước.”
“Vậy là được hơn một năm rồi,” thầy hiệu trưởng suy nghĩ, “thôi thì thế này, có thầy Sơn đảm bảo, tôi đành tạm tin một lần. Khoảng mười phút nữa là hết tiết bốn. Tôi sẽ lấy lí do là chào mừng một năm thầy Hiển về trường, cho toàn bộ học sinh và thầy cô xuống sân trường để giao lưu với thầy giáo mới. Mấy thầy thấy sao?”
Thầy hiệu phó gật gù. Thầy Sơn và thầy Hiển cùng thở phào nhìn nhau. Nhưng chẳng bao lâu cả hai bắt đầu căng thẳng trở lại vì chợt nhận ra việc đồng ý cho cả trường nghỉ tiết năm chẳng khác nào ngầm tin chuyện trường sắp sập là thật.
Thầy Sơn và thầy Hiển lần lượt về lớp của mình, hồi hộp chờ nghe tiếng loa thông báo. Cả hai lúc này đều không còn tâm trí nào mà tiếp tục dạy, lặng im ngồi chờ những gì sẽ diễn ra trong một tiếng đồng hồ sắp tới.
Học sinh của cả hai lớp 10A và 10B đều ngạc nhiên vì sự thay đổi một trăm tám mươi độ của hai ông thầy nhưng chẳng mảy may thắc mắc. Trong đám học sinh có lẽ đứa khoái nhất là thằng Phước. Nó vừa thoát được cái nạn phải trả lời câu hỏi của thầy Sơn, giờ đây lại được thoải mái lôi cuốn truyện trong ngăn bàn ra đọc. Đầu óc của nó lại một lần nữa trôi qua bên Nhật.
Năm phút trước khi hết tiết bốn quả nhiên có tiếng loa thông báo. Giọng nói là của thầy hiệu trưởng: “Xin thông báo với thầy cô toàn trường cho học sinh được nghỉ tiết năm. Nhân kỉ niệm một năm thầy Hiển về trường, sau tiết bốn này xin mời các em học sinh và thầy cô tập trung xuống sân trường để tổ chức một buổi giao lưu và chào mừng thầy Hiển!”
Ngay khi tiếng loa vừa dứt thì từ khắp các phòng học bùng nổ những tiếng hò reo. Học sinh bao giờ cũng có những ước mơ đươc nghỉ học. Trong khi những ước mơ như sập trường hay cháy trường gần như chẳng có cơ may xảy ra thì những ước mơ nhỏ nhoi hơn ví dụ như lâu lâu được cho nghỉ bất ngờ mới chính là thứ làm cho tụi nó vui sướng hơn cả. Như hôm nay chẳng hạn. Trong khi các thầy cô đang không hiểu được quyết định của thầy hiệu trưởng thì chỉ có bọn học sinh là vui nhất. Chúng chẳng cần biết lí do là gì, miễn sao là không phải học.
Tiết chuông báo hết tiếng bốn kêu lên không lâu sau đó. Lần thứ hai trong vòng mấy phút học sinh toàn trường lại đồng loạt hò reo. Các thầy cô nhìn sự vui sướng của lũ học trò cũng chỉ đành cười trừ.
Học sinh hai khối thu xếp tập vở chỉ trong giây lát rồi ùa ngay xuống sân. Vốn đã quen với những buổi chào cờ đầu tuần, mấy đứa trong tổ trực nhanh chóng chạy ù đến nhà kho để cố tranh từng chồng ghế càng nhanh càng tốt. Chưa tới năm phút học sinh và thầy cô đã tập trung đầy đủ trước sân trường.
Ở trên bục lúc này là thầy Hiển đang đứng cạnh thầy hiệu trưởng. Thầy Sơn ngồi bên dưới cùng các thầy cô khác. Các thầy cô đang bàn tán với nhau về quyết định kì lạ của thầy hiệu trưởng. Thầy Sơn không tham gia vào cuộc bàn tán đó bởi lúc này thầy đang quan tâm đến một thứ khác. Thầy căng thẳng nhìn lên mấy tầng lầu.
Mặc dù chẳng hề có chuẩn bị trước cuộc nói chuyện giữa thầy hiệu trưởng và thầy Hiển cũng không đến nỗi gượng gạo và kì cục. Bên dưới học sinh chả có mấy đứa biết thầy Hiển là ai nên cũng không quan tâm lắm tới ông thầy này. Được nghỉ một tiết đối với tụi nó là thời gian quý báu để giao lưu tám chuyện hơn là ngồi nghe chuyện của ông thầy trẻ măng trên kia.
Đã hơn mười phút trôi qua. Thầy Sơn chẳng hề để tâm thầy Hiển và thầy hiệu trưởng đang nói những gì. Tâm trí của thầy lúc này đang hoàn toàn căng cứng. Thầy lấy uy tín của mình ra để bảo đảm cho giấc mơ của thầy Hiển. Thầy hoàn toàn chẳng mong là trường sẽ sập, nhưng đâu đó trong tiềm thức thầy biết nó sẽ xảy ra. Chính mắt thầy đã thấy thằng Bá té trên hành lang. Giờ đây chính mắt thầy lại chằm chặp nhìn lên mấy dãy phòng học, chờ cái giây phút kinh hoàng sắp sửa xảy đến.
Và rồi những điều thầy Sơn đang lo sợ đến nhanh hơn thầy tưởng. Từ sau lưng thầy Sơn bỗng có một tiếng gầm rú lớn làm thầy giật bắn mình quay lại. Thầy thấy học sinh bắt đầu hò hét ầm ĩ.
“Tụi nó đang la hét cái gì vậy?” thầy Sơn kinh hãi nghĩ thầm trong đầu và dáo dác ngó nghiêng xung quanh. Thay vì thấy ngôi trường từ từ sập xuống, thầy Sơn thấy một khung cảnh kì lạ hơn nhiều: các thầy cô khác lúc này đều đang hết cả dậy nhìn thầy và vỗ tay ầm ĩ. Ở trên bục thầy hiệu trưởng và thầy Hiển cũng đang cười toe, cùng vỗ tay nhìn xuống thầy.
Thầy Sơn nhìn lại mấy đứa học sinh một lần nữa. Thì ra tiếng hò hét ban nãy là của tụi học sinh dành cho thầy. Thầy Sơn hoàn toàn chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra, chỉ biết đứng im đó, chờ cho tràng vỗ tay từ từ dịu xuống.
Khi thấy âm thanh trong sân trường bắt đầu nhỏ dần lại, thầy hiệu trưởng nói to vào micro: “Tiếp theo tôi xin được mời thầy Sơn, nhân vật chính của ngày hôm nay lên đây để giao lưu!”
Vẫn còn đang lơ mơ, thầy Sơn vừa gãi đầu vừa chậm rãi bước lên bục. Thầy Hiển đứng né qua một bên, nhìn thầy Sơn và cười tươi. Mười phút trước vì quá lo sợ rằng trường sẽ sập nên thầy Sơn hoàn toàn không nghe được thầy hiệu trưởng và thầy Hiển đã nói những gì trong mấy phút đó, đành ngập ngừng hỏi: “Thầy nói lại cho tôi nghe tại sao thầy cô và học sinh trong trường lại vỗ tay được không?”
Học sinh và thầy cô bên dưới tưởng thầy Sơn nói đùa liền cười ồ lên. Thầy Hiển từ đầu buổi sinh hoạt tới giờ đã nhìn thấy nét mặt căng thẳng của thầy Sơn nên hiểu được lí do, liền nói nhỏ vào tai thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng bật cười, cầm micro giải thích: “Thiệt ra thì từ sáng tới giờ câu chuyện mà thầy Hiển kể cho thầy nghe là ý của tôi. Chúng tôi muốn tạo cho thầy một bất ngờ nên mới giả vờ làm ra một số chuyện để thầy không biết được lí do thực sự của buổi sinh hoạt ngày hôm nay. Một lần nữa, xin học sinh toàn trường cho một tràng pháo tay chúc mừng kỉ niệm ba mươi năm thầy Sơn giảng dạy ở trường mình!”
Học sinh và thầy cô bên dưới một lần nữa vỗ tay dòn dã. Là giáo viên của trường từ những ngày đầu mới thành lập, thầy Sơn không chỉ là người dạy lâu nhất, mà cũng chính là người đem lại nhiều thành tích tốt cho trường. Buổi tri ân bất ngờ hôm nay vừa là lễ kỉ niệm ba mươi năm giảng dạy của thầy Sơn, vừa là lời cảm ơn đến những gì mà thầy đã cống hiến.
Đến đây thì thầy Sơn đã hoàn toàn hiểu ra. Thầy liếc qua thầy Hiển, lúc này đang cười tươi nhìn mình, không biết là nên vui hay nên giận. Để bày ra cho này chắc chắn không phải chỉ có một mình thầy Hiển mà còn có nguyên một bộ sậu phía sau, bao gồm thầy hiệu trưởng, thầy hiệu phó, thằng Bá, và biết đâu là cả cô Hòa. Thầy Sơn tự cười bản thân mình: “Ra là bị nó lừa, già đầu rồi còn đi tin chuyện mơ mộng!”.
Bỗng nhớ ra lí do đích thực của buổi sinh hoạt, thầy Sơn tự nhiên cảm thấy xúc động. Hóa ra đã ba mươi năm mình gắn bó với ngôi trường này. Ngay bản thân thầy cũng không nhớ được mình về trường từ lúc nào. Nhìn những gương mặt học sinh đứng bên dưới, thầy chợt nhớ về những học sinh mình đã từng dạy qua. Ba mươi năm, ba mươi lứa học sinh, rất nhiều cái tên thầy còn nhớ rất rõ, nhưng phần lớn còn lại thầy đã không còn nhớ mặt. Thầy thấy nghèn nghẹn trong cổ họng, không ngờ là mình đã gặp và dạy dỗ cho từng ấy học sinh.
Sau khi bớt xúc động, thầy Sơn cùng thầy hiệu trưởng ngồi xuống hai cái ghế đã được bày sẵn và trò chuyện, nhắc lại những kỉ niệm thú vị ở trường mà thầy từng được chứng kiến trong suốt ba mươi năm qua. Bọn học sinh ngồi bên dưới thích thú lắng nghe. Những chuyện thật do chính một con người thật kể bao giờ cũng hấp dẫn cả.
Ngồi lẫn trong đám học sinh của hai khối lớp nghe thầy Sơn kể chuyện, thằng Phước thấy trong lòng có chút cồn cào. Nó nghĩ về cuốn truyện đang nằm trong cặp với một sự xấu hổ. Nó tự nhủ thầm, mặc dù nó chẳng thích môn toán mấy nhưng từ rày về sau vẫn sẽ cố gắng ngồi nghe thầy Sơn giảng cho đến hết tiết. “Thầy Sơn ổng dạy học trò ba chục năm còn được, mình ngồi nghe ổng nói có ba năm lẽ nào lại chịu không thấu!”
Dù biết chẳng ai tin, nhưng ngày hôm đó quả thực là thằng Phước đã nghĩ như vậy.
***********
*******
*****
***
*
Thầy Hiển ngồi dưới hàng ghế giáo viên, chăm chú nghe thầy Sơn và thầy hiệu trưởng nói chuyện. Từ đằng sau cô Nga vỗ nhẹ tay lên vai thầy Hiển, sau đó ghé miệng vào tai thầy nói nhỏ: “Chiều nay em có rảnh không, lên trường coi dùm lớp cho cô một tiết. Chiều nay cô phải chở thằng Thức con cô đi bệnh viện chụp hình phổi.”
Nhẩm thấy lịch buổi chiều của mình hoàn toàn trống, thầy Hiển nhanh chóng nhận lời: “Dạ được, lát cô đưa cho em phần bài giảng để chiều em cho tụi nó chép. Mà lớp nào vậy cô?”
Cô Nga ngước đầu, chỉ tay lên lầu hai: “Lớp 11C, phòng hai lẻ ba.”
HẾT
Ngày 20 tháng 11, 2019
TRI ÂN
©2023 Thanh Phú. All rights reserved.
Bản quyền thuộc về tác giả.